Các hình thức sinh hoạt văn hóa – lễ hội Đình_Bình_Trường

Qua kiến trúc ngôi đình, cùng các cổ vật, di vật còn lại có giá trị về văn hóa vật thể. Đình Bình Trường còn lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể qua việc duy trì các lễ hội.

Theo truyền thống, mỗi năm đình Bình Trường có hai lệ cúng nhỏ và một lệ cúng lớn. Lệ nhỏ thứ nhất là lệ cúng Hạ Điền được thực hiện vào ngày 12 tháng tư âm lịch, là thời điểm của mùa mưa mới bắt đầu, nông dân trong vùng tiến hành xuống lúa. Lệ cúng nhỏ thứ hai là cúng Cầu Bông diễn ra vào ngày 12 tháng 10 âm lịch khi lúa đã bắt đầu làm đòng. Cả hai lệ cúng do Hội Hương đình thực hiện tại bàn thờ Thần Nông. Lễ vật cúng giản đơn gồm gà, xôi nếp, trái cây, hoa, rượu, bánh, nhang đèn. Nội dung cúng qua văn tế hàng năm cho thấy đây là tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp với lời nguey65n cầu mưa thuận, gió hòa để mùa màng thuận lợi, đất ruộng trúng lúa, đất vườn trúng quả, dân làng có cuộc sống ấm no, con cháu hạnh phúc.

Ngoài hai lễ trên, lễ cúng lớn nhất tại đình Bình Trường là lễ Cầu an (lễ Kỳ Yên). Lễ được tổ chức trong 3 ngày 15, 16 và 17 tháng giêng âm lịch.

Sáng ngày rằm tháng giêng, khi cảnh vật còn chìm trong làn sương mỏng lạnh đầu xuân, Ban Hội Hương đình cùng đoàn rước sắc với trang phục truyền thống trang nghiêm, có cờ, có trống đã khiêng long đình sang nhà vị thủ sắc để rước sắc thần. Đến nơi, sau một tuần hương và ba tuần rượu, đại diện đoàn rước sắc thỉnh sắc Thần đưa lên long đình để rước sắc về đình trong niềm vui rộn rã của chiêng trống và điệu múa vui mắt của con lân dẫn đầu. Về tới đình, hộp đựng sắc phong được đưa lên bàn thờ Thần Thành Hoàng Bản Cảnh tại chính điện, sau đó là các nghi thức an vị thực hiện sự cung kính đối với Thần Thành Hoàng. Từ lúc này trở đi, mọi người tin tưởng rằng Thần Thành Hoàng đã về nghỉ tại đình. Khoảng 16 giờ chiều cùng ngày có nghi thức cúng Ngũ Hành Nương Nương tại miếu nhỏ phía trước đình. Lễ vật cúng thường gồm cặp vịt, đĩa xôi, mâm ngũ quả, bình hoa, rượu, trà và nhang đèn. Sau khi các vị trong Hội Hương đình làm lễ, bà con trong vùng lần lượt thắp nhang cầu mong năm vị nữ thần luôn giúp đỡ cho dân làng về nhiều lĩnh vực.

Ngày 16 tháng giêng là ngày lễ chính, khoảng 9 giờ sáng, nghi lễ tế Thần Thành Hoàng được tổ chức với sự thực hiện của Ban Hội Hương đình cùng các chấp sự, ban nhạc lễ, học trò lễ và đào Thái. Lễ vật dâng cúng Thần là một con heo trắng, xôi, bánh, trái cây, hoa, rượu, trà. Nghi thức tế Thần Thành Hoàng vốn là nghi thức tế Trời Đất của triều đình nhà Nguyễn khi xưa, nay cúng Thần, nghi lễ này được giản lược đi rất nhiều để còn các nghi thức chuẩn bị, dâng cúng lễ vật, đọc văn tế… Bài văn tế với nội dung thỉnh mời Thần Thành Hoàng cùng các vị thần thánh trong vùng về dự lễ và cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà lạc nghiệp, xứ sở hài hòa. Sau lễ tế Thần là các lễ cúng Tiên Sư, Tiền Hiền, Hậu Hiền, văn tế cúng Tiên Sư, Tiền Hiền, Hậu Hiền có nội dung ca ngợi và thương tiếc các bậc tiền hiền có công khai phá đất đai, xây dựng các công trình công cộng và truyền dạy nghề nghiệp cho dân làng. Cũng trong ngày này, lễ tế vong hồn các anh hùng liệt sĩ được thực hiện tại đài tưởng niệm, lễ vật có mâm cơm, rượu, trà. Nội dung tế lễ nhằm tưởng nhớ đến các chiến sĩ anh hùng đã hy sinh cho hòa bình độc lập thống nhất đất nước. Đến 16 giờ là lễ Xây Chầu Đại Bội.